Các đội dự thi thực hiện bài thi trên cùng một hệ thống máy chủ của Ban tổ chức. Thời gian thi trong 8 giờ. Điểm thi của các đội có thể theo dõi trực tuyến theo thời gian thực trên website của Ban tổ chức.
Đề thi gồm có 20 thử thách theo 5 chủ đề: Khai thác lỗ hổng dụng web (Web exploit), Khai thác lỗ hổng phần mềm (Pwn), Dịch ngược mã nguồn (Reverse engineering), Điều tra mạng (Forensic), Phân tích & lập trình thuật toán mật mã (Crypto). Mỗi chủ đề có 4 thử thách với các mức độ từ dễ, trung bình và khó.
Ban giám khảo cuộc thi là các chuyên gia đến từ các đơn vị chuyên trách về bảo mật, an toàn, an ninh thông tin của Ban Cơ yếu Chính Phủ bao gồm: Học viện Kỹ thuật mật mã, Trung tâm Công nghệ thông tin & Giám sát An ninh mạng, Viện KHCNMM, Cục Quản lý mật mã dân sự và Kiểm định sản phẩm mật mã.
“Cuộc thi An toàn và bảo mật thông tin toàn quốc CIS 2024” được tổ chức nhằm phát hiện, bồi dưỡng nhân tài, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về an toàn và bảo mật thông tin. Từ đó tạo sân chơi để tăng cường khả năng giao lưu, trao đổi kiến thức của sinh viên các trường đại học, học viện kỹ thuật tại Việt Nam. Cuộc thi góp phần xây dựng Học viện Kỹ thuật mật mã trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao về Kỹ thuật mật mã và An toàn thông tin theo Nghị quyết 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.
“Cuộc thi An toàn và bảo mật thông tin toàn quốc CIS 2024” có sự đồng hành của 02 đơn vị đồng tài trợ là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam (SRV) và Công ty Cổ phần FPT (Tập đoàn FPT).